Danh mục

Thiết bị di động không dây chuẩn DECT 6.0 và nguy cơ can nhiễu cho dải tần của mạng 3G

Thiết bị di động không dây (viết tắt là TBDĐKD) theo chuẩn DECT đã được sử dụng khá phổ biến. Hàng triệu thiết bị loại này đã và đang được sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Là một tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn viễn thông Châu Âu (ETSI), nhưng DECT đã được hơn 110 nước chấp nhận.

Ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT, ngày 16/4/2008, về việc phê duyệt Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động số của Việt Nam trong các dải tần 821 ÷ 960 MHz và 1710 ÷ 2200 MHz; đã “mở cửa” cho DECT được khai thác trên đoạn băng tần 1895÷1900 MHz. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn DECT, các dải tần được ấn định rất gần với dải tần IMT-2000 hướng lên. Mặt khác, quy định về băng tần hoạt động cho DECT có khác nhau, tùy chọn và tùy thuộc vào quy hoạch tần số quốc gia ở mỗi nước. Do đó, nếu việc nhập khẩu và sử dụng thiết bị DECT không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, khả năng can nhiễu là khó tránh khỏi. Bài viết này nhằm giới thiệu về tiêu chuẩn DECT và nguy cơ can nhiễu của ĐTKD DECT 6.0 cho dải tần hướng lên của mạng 3G.

1. Công nghệ truyền thông không dây – DECT.

DECT là viết tắt của Digital Enhanced Cordless Telecommunications (tạm dịch là công nghệ truyền thông không dây số cải tiến), còn được biết đến với tên gọi TBDĐKD số của Châu Âu (Digital European cordless telephone), là một tiêu chuẩn của ETSI bắt nguồn từ nhu cầu thông tin liên lạc không dây cự ly ngắn cho cả thoại và dữ liệu, khai thác các dải tần không cần cấp phép.

Trên thực tế, DECT đã được ETSI phát triển nhưng được chấp nhận và đưa vào ứng dụng ở hơn 110 nước trên thế giới. Băng tần nguyên bản của DECT là 1880 ÷ 1900 MHz, được toàn bộ các nước Châu Âu sử dụng. Ngoài ra, nhiều nước Châu Á, Úc và Nam Mỹ cũng sử dụng băng tần này.

Công nghệ DECT đã được triển khai và ứng dụng hơn 110 nước

Công nghệ DECT đã được triển khai và ứng dụng hơn 110 nước trên thế giơi

DECT là một tiêu chuẩn dành cho các thiết bị di động, như TBDĐKD, để truy nhập vào mạng cố định thông qua môi trường vô tuyến. Việc kết nối đến mạng cố định thông qua máy mẹ (base station) hoặc phần vô tuyến cố định RFP (Radio Fixed Part) với thiết bị đầu cuối vô tuyến và một cổng nối (gateway) kết nối cuộc gọi đến mạng cố định. Máy mẹ chủ yếu được kết nối với mạng điện thoại công cộng PSTN, mặc dù DECT có hỗ trợ các kết nối công nghệ mới hơn như VoIP. Ngoài TBDĐKD, còn có các thiết bị ứng dụng khác sử dụng chuẩn DECT, chẳng hạn như thiết bị giám sát trẻ em (các thiết bị dạng này không có chức năng cổng nối).

1.1. Tóm tắt quá trình phát triển của chuẩnDECT.

– Năm 1989, việc chuẩn hóa DECT bắt đầu được thực hiện. Các thành viên tham gia chuẩn hóa gồm có: Adherent, Alcatel, Ascom, Bosch, BT, Canon, CorTec, CSELT, Dosch&Amand, Deutsche Telecom, Ericsson, France Telecom, Hagenuk, Italtel, Lucent, Motorola, National Semiconductors, Nokia, Nortel, Olivetti, Philips, R&S, RTX, S3, Siemens, Sigos, Simbyonlics, Telecom Italia, Tele Denmark, Telia, VLSI,…

            – Năm 1991, tiêu chuẩn DECT đầu tiên được xuất bản.

  – Năm 1992, hoàn thiện bộ các tiêu chuẩn DECT và được chấp nhận.

            – Năm 1993, các sản phẩm áp dụng DECT đầu tiên được tung ra thị trường.

            – Từ năm 1995 đến nay, DECT liên tục được bổ sung và mở rộng các tính năng, như: tích hợp DECT/GSM; tốc độ dữ liệu được nâng cao; nhắn tin SMS, EMS và MMS;…

            – Năm 1999, Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đã chọn DECT như một chuẩn giao diện vô tuyến của IMT-2000; do đó, DECT được xem như một thành phần của hệ thống 3G. Trong công nghệ IMT-2000, DECT thuộc nhóm IMT-FT.

quá trình phát triển của chuẩn DECT

quá trình phát triển của chuẩnDECT

1.2. Các thông số kỹ thuật chính của DECT.

thông số kỹ thuật chính của DECT

thông số kỹ thuật chính của DECT

(1)DECT là thành viên duy nhất thuộc họ tiêu chuẩn IMT-2000 sử dụng phổ tần không cần cấp phép. Phổ tần ấn định cho DECT phổ biến nhất thuộc băng 1880 ÷ 1900 MHz.Bên ngoài Châu Âu, tùy thuộc theo quy hoạch tần số quốc gia của mỗi nước,có thể ấn định trên các băng 1900 ÷ 1920 MHz và 1910 ÷ 1930 MHz. Ngoài các đoạn băng tần kể trên, một số nước còn dự trữ băng tần 2010 ÷ 2025 MHz.

Phân kênh và công suất của DECT ở Châu Âu

Phân kênh và công suất của DECT ở Châu Âu

Theo quy chuẩn, tần số trung tâm của một sóng mang vô tuyến DECT, ký hiệu là fc , được cho bởi công thức:

fc = 1897,344 – c.1728 (MHz)

Với c = 0..9

(2) Số sóng mang tùy thuộc vào phổ tần sử dụng và khoảng cách kênh.

(3)Công suất phát đỉnh lớn nhấtcó thểtùy chọn.

1.3. Ứng dụng thực tế của DECT.

DECT cung cấp các dịch vụ thông tin cá nhân trong gia đình hoặc doanh nghiệp, chủ yếu với các ứng dụng sau:

– ĐTKD gia đình (PSTN, ISDN và IP).

– Các dịch vụ truy nhập công cộng.

– ĐTKD doanh nghiệp (tổng đài nội bộ PBX và mạng doanh nghiệp dựa trên IP).

– Mạng truy nhập dữ liệu: mạng LAN không dây và các điểm kết nối điểm – điểm.

– Mạng chủ không dây.

– Truy nhập vô tuyến Internet hoặc Intranet.

– Truyền thông không dây M2M (Machine to Machine), như: các thiết bị cảm biến, cảnh báo, giám sát từ xa,…

– Mở rộng cho mạng di động hay mạng điện thoại công cộng.

– Vô tuyến trong mạch vòng nội hạt.

DECT hỗ trợ truyền âm thanh thoại băng hẹp (3,1 kHz), băng rộng (7 kHz) và siêu rộng (14 kHz); hỗ trợ truyền dữ liệu chuyển mạch kênh hoặc chuyển mạch gói với tốc độ dữ liệu tối đa 844,8 kbit/s với điều chế mức 2, hệ thống thống máy thu – phát đơn và 5,0688 Mbit/s với các hệ thống điều chế mức cao. Các tốc độ này có thể được nhân lên bằng cách sử dụng nhiều kênh vô tuyến song song.

Thành phần DECT của một máy TBDĐKD đơn giản

Thành phần DECT của một máy TBDĐKD đơn giản

1.4. Phiên bản DECT 6.0.

Bắt nguồn từ DECT, Viện Tiêu chuẩn quốc gia Mỹ đã xuất bản tiêu chuẩn PWT (Personal Wireless Telecommunications–truyền thông không dây cá nhân), trong đó có các điều chỉnh cần thiết, đặc biệt là lớp vật lý. Tuy nhiên, vào năm 2004, Mỹ đã cho phép sử dụng thiết bị theo chuẩn DECT với một số điều chỉnh nhỏ trong các thủ tục cấp phát kênh và thiết lập mức công suất cao tần, dẫn đến việc tiêu chuẩn PWT trở nên lỗi thời.

Năm 2005, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC)đã chính thức thay đổi việc kênh hóa và quy định cấp phép ở băng tần lân cận, 1920 ÷ 1930 MHz, được gọi là các dịch vụ truyền thông cá nhân không cần cấp phép UPCS (Unlicensed Personal Communications Services), nhằm cho phép các thiết bị DECT được lưu thông mua, bán và sử dụng tại Mỹ. Theo quy định này, đoạn băng tần 1920 ÷ 1930 MHz được chia làm 8 kênh, khoảng cách kênh 1,25 MHz, bắt đầu từ1920÷1921,25 MHz và kết thúc với 1928,75÷1930 MHz.

Đầu năm 2006, DECT Forum, một diễn đàn của Hiệp hội Công nghiệp toàn cầu gồm các nhà khai thác và nhà cung cấp thiết bị đầu cuối tiêu chuẩn DECT, giới thiệu ĐTKD DECT 6.0 tại Mỹ, sản phẩm sử dụng băng tần số 1920 ÷ 1930 MHz.

DECT 6.0 không ám chỉ đến việc sử dụng băng tần (băng 6 GHz).Thực chất, DECT 6.0 chỉ là một thuật ngữ mang tính thương mại được Rick Krupka (Giám đốc về sản phẩm không dây của Siemens) đặt ra, để thiết bị ứng dụng DECT có thể tương thích với thị trường Mỹ. Mặc dù DECT 6.0 hoạt động ở băng tần 1,9 GHz, nhưng Rick Krupka nhận ra rằng nếu ghi DECT 1.9 sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (về phiên bản) và với con số lớn hơn có thể biểu thị cho một sản phẩm tốt hơn.

2. Một số các quy định của Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới có nhiều hãng sản xuất điện thoại không dây theo chuẩn DECT, như: Panasonic, Vtech, Uniden, AT&T, RCA, Verizon, Philips, Siemens, Motorola,… Chủng loại điện thoại không dây theo công nghệ DECT 6.0 chủ yếu được lưu hành tại Mỹ và Canada, nhưng một điều đáng quan tâm là nếu điện thoại không dây theo công nghệ DECT 6.0 được sử dụng tại Việt Nam sẽ gây can nhiễu cho băng tần của mạng 3G.

2.1. Quy định về băng tần cho TBDĐKD.

Thông tư 36/2009/TT-BTTTT, ngày 03/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện. Tại Phụ lục 2 của Thông tư quy định về tần số cho thiết bị TBDĐKD được sử dụng có điều kiện tại các cặp băng tần tương ứng dành cho khối trung tâm và khối di động, bao gồm:

Khối trung tâm Khối di động
43,71 ÷ 44,00 MHz

46,60 ÷ 46,98 MHz

821 ÷ 822 MHz

48,75 ÷ 49,51 MHz

49,66 ÷ 50,00 MHz

924 ÷ 925 MHz

Ngày 16/4/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821 ÷ 960 MHz và 1710 ÷ 2200 MHz; trong đó, hệ thống mạch vòng vô tuyến nội hạt WLL (Wireless Local Loop) dùng chung với các hệ thống điện thoại đa truy nhập (PHS–Personal Handyphone System, DECT và các loại tương đương) được khai thác trên đoạn băng tần 1895÷1900 MHz.

Cũng theo Quyết định 25/2008/QĐ-BTTTT, các đoạn băng tần 1900 ÷ 1980 MHz, 2010 ÷ 2025 MHz và 2110 ÷ 2170 MHz được dành cho hệ thống IMT–2000.

Có 5 nhà khai thác đã được cấp phép triển khai mạng 3G tại Việt Nam, gồm có: Mobilefone, Viettel, liên danh EVN và HTC (Vietnamobile), Vinaphone. Mỗi nhà khai thác, hoặc liên danh nhà khai thác, được ấn định 3 kênh tần số cho hướng xuống (trong dải 2110 ÷ 2170 MHz) và 3 kênh tần số cho hướng lên (trong dải 1920 ÷ 1980 MHz), mỗi kênh có băng thông không vượt quá 5MHz.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng:

-TBDĐKD sử dụng công nghệ DECT có băng tần hoạt động 1900 ÷ 1920 MHz và 1910 ÷ 1930 MHz không phù hợp với các quy định tại Thông tư số 36/2009/TT-BTTTTvà Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

– TBDĐKD có băng tần hoạt động 1920 ÷ 1930 MHz có khả năng gây can nhiễu có hại cho dải tần hướng lên của mạng 3G đã được triển khai tại Việt Nam.

2.2. Hành vi bị nghiêm cấm và các quy định về xử phạt.

Điều 6 Khoản 1 Nghị định số 24/2004/NĐ-CP quy định “Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện tại Việt Nam trái với quy hoạch (trừ thiết bị thuộc diện tạm nhập tái xuất; thiết bị được sản xuất để xuất khẩu; thiết bị để giới thiệu công nghệ trong triển lãm, hội chợ)”.

Các hành vi nhập khẩu, sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép, gây can nhiễu có hạisẽ bị xử lý theo các qui định tại Nghị định 142/2004/NĐ-CP; Cụ thể:

– Điều 18.Xử phạt vi phạm về nhiễu có hại.

+ Khoản 3: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây nhiễu có hại đối với Mạng viễn thông di động công cộng”.

+Khoản 5: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện cố ý gây can nhiễu làm cản trở đến hoạt động thông tin của các mạng và hệ thống thông tin vô tuyến điện khác”.

– Điều 24.Xử phạt vi phạm về sản xuất, nhập khẩu thiết bị viễn thông.

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất thiết bị viễn thông không có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định.

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu không có giấy phép các thiết bị phát, thiết bị thu – phát sóng vô tuyến điện có băng tần số từ 9 KHz đến 400 GHz, có công suất từ 60 mW trở lên dùng trong nghiệp vụ viễn thông và các nghiệp vụ khác theo quy định; Nhập khẩu không có giấy phép các thiết bị Rada, các thiết bị trợ giúp bằng sóng vô tuyến điện và thiết bị điều khiển xa bằng sóng vô tuyến; Sản xuất thiết bị phát, thiết bị thu – phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép.

+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

3. Kết luận.

Với ứng dụng phong phú và kỹ thuật tiên tiến, có thể nói, tiêu chuẩn DECT ra đời đã tạo một bước tiến công nghệ cho thông tin liên lạc không dây cự ly ngắn. Người dùng cá nhân, doanh nghiệp và cả những nhà khai thác có thểcảm nhận được sự thuận tiện của DECT qua các ứng dụng linh hoạt. Nhưng để có thể phát huy các yếu tố tích cực, các thiết bị ứng dụng DECT cần phải đáp ứng và phù hợp với quy định, quy hoạch phổ tần số tại mỗi nước. Ở Mỹ, phải mất gần 13 năm DECT mới chính thức được chấp nhận và cho phép sử dụng với một số điều chỉnh nhỏ trong các thủ tục cấp phát kênh và thiết lập mức công suất cao tần.

Việt Nam đã có Luật Tần số vô tuyến điện, quy hoạnh phổ tần số vô tuyến điện quốc gia cho các nghiệp vụ và các quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Vì vậy, thiết nghĩ các tổ chức cá nhân tham gia nhập khẩu, sử dụng thiết bị DECT cần tuân thủ đúng các quy định để tránh gây can nhiễu cho các nghiệp vụ khác, nhất là ảnh hưởng đến chất lượng và sự trải nghiệm của người dùng mạng 3G vừa được triển khai tại Việt Nam.


Bình luận

0932.352.866